Nhiều trẻ nhìn khỏe mạnh nhưng vẫn thiếu chất

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Biểu hiện thiếu vi chất ở trẻ thường khó phát hiện, chủ yếu được xác định khi khám sức khỏe định kỳ, khám dinh dưỡng. Nếu không được bổ sung, thiếu hụt kéo dài sẽ ảnh hưởng tới hệ miễn dịch, làm chậm sự tăng trưởng về trí tuệ, thể chất của bé.

Nhiều trẻ em Việt thiếu vi chất dinh dưỡng

Theo nghiên cứu của Tổ chức Dinh dưỡng Đông Nam Á, bữa ăn hàng ngày của trẻ em Việt Nam thiếu đến 50% nhu cầu vi chất, chủ yếu là kẽm và sắt. Trong đó, 60% trẻ dưới 5 tuổi thiếu kẽm, và cứ 3 trẻ thì có một bé bị thiếu sắt. Thiếu sắt thường đi kèm thiếu kẽm, và ngược lại.

Bác sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa quốc tế (ĐKQT) Thu Cúc TCI cũng cho biết thêm, mặc dù chế độ dinh dưỡng đầy đủ nhưng trẻ vẫn có nguy cơ thiếu chất. Trong đó, kẽm và sắt được hấp thu qua thức ăn rất thấp, chỉ 10-15% với sắt và 20% - 30% với kẽm. Kẽm và sắt còn bị giảm hấp thu bởi tinh bột, chất xơ có trong các loại thực phẩm ngũ cốc.

Nhiều trẻ nhìn khỏe mạnh nhưng vẫn thiếu chất - 1
Nhiều trẻ phát hiện thiếu các vi chất quan trọng khi khám sức khỏe định kỳ hoặc khám dinh dưỡng (Ảnh: Thu Cúc TCI).

Bé N.N.Q.A, 3 tuổi, được ba mẹ đưa đi khám sức khỏe định kỳ tại Khoa Nhi, Thu Cúc TCI. Mẹ bé cho biết, nhìn bé hoàn toàn khỏe mạnh, không có vấn đề nào bất thường, trừ việc thi thoảng bé ốm, và cũng phải đi viện khám thường xuyên. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy định lượng sắt chỉ 5,6 micromol/lít (ngưỡng bình thường: 7 - 27), kẽm chỉ 7,02 micromol/lít (ngưỡng bình thường: 9,1 - 21,4), vitamin D3 chỉ 26,2 ng/ml (ngưỡng bình thường: 30 - 40). Bé được chẩn đoán thiếu máu, kẽm và D3 và được các bác sĩ tư vấn bổ sung vitamin, đồng thời tư vấn cho bố mẹ lên thực đơn phù hợp cho con để cải thiện dinh dưỡng.

Bác sĩ Hoa cũng cho biết thêm, trẻ em đang lớn như trẻ trong giai đoạn dậy thì cũng sẽ có nhu cầu về sắt, kẽm cao hơn. Thêm vào đó, trẻ bị bệnh đường tiêu hóa hoặc mất máu mạn tính như nhiễm giun, loét dạ dày tá tràng… cũng dẫn đến thiếu sắt, kẽm.

Thiếu vi chất là một nguyên nhân khiến trẻ thấp, còi, dễ mắc bệnh

Nhiều trẻ nhìn khỏe mạnh nhưng vẫn thiếu chất - 2
Thiếu vi chất ảnh hưởng tới sự phát triển tầm vóc và trí tuệ của trẻ (Ảnh: Thu Cúc TCI).

Đúng như tên gọi, với vi chất, cơ thể trẻ chỉ cần một lượng nhỏ, nhưng có vai trò lớn đối với cơ thể. Sắt và kẽm đóng vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch. Kẽm vừa là thành phần, cũng là chất xúc tác tăng cường sản xuất ra các yếu tố miễn dịch, nhờ đó tạo ra một hệ thống phòng thủ đắc lực, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây hại, chống lại nhiễm trùng.

Trẻ bị thiếu các vi chất sẽ khiến hệ miễn dịch suy giảm dần, trí tuệ, tầm vóc kém phát triển.

Một số hậu quả cụ thể do thiếu vi chất gây ra là:

- Thiếu vitamin A: trẻ dễ gặp các bệnh về mắt, tăng nguy cơ nhiễm trùng

- Thiếu canxi và vitamin D: gây ra còi xương, trẻ dễ quấy khóc, ra mồ hôi trộm, rụng tóc, chậm mọc răng, chậm biết đi, chậm tăng trưởng chiều cao… Thiếu D cũng ảnh hưởng tới miễn dịch, đề kháng của trẻ, trẻ dễ mắc các bệnh đường hô hấp trên và bệnh hay tái phát.

- Thiếu sắt: dẫn tới thiếu máu, các bệnh viêm đường hô hấp, nhiễm khuẩn, cản trở sự tăng trưởng, phát triển của trẻ

- Thiếu iot: dễ dẫn tới tuyến giáp phát triển lớn, gây bệnh bướu cổ, tăng nguy cơ chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, thiểu năng….

- Thiếu kẽm: dẫn tới biếng ăn, chậm lớn, tăng nguy cơ suy dinh dưỡng, chậm phát triển chiều cao, giảm sức đề kháng, hay ốm vặt

6 dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị thiếu vi chất

Khi thấy trẻ có những biểu hiện của thiếu vi chất dinh dưỡng, cha mẹ cần cho con tới các cơ sở y tế kiểm tra ngay để được bác sĩ tư vấn điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Theo bác sĩ Mai Hoa, trẻ thiếu vi chất sẽ xuất hiện các dấu hiệu như chậm tăng cân, chậm tăng trưởng chiều cao, hay ốm vặt, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm họng, viêm mũi họng kéo dài, hoặc thường xuyên tái phát, da xanh xao, tóc khô, móng tay dễ gãy. Trẻ cũng hay mệt mỏi, hay quấy khóc, cáu gắt, hay ra mồ hôi trộm, đêm trằn trọc, khó ngủ, tóc rụng vành khăn hoặc kêu đau nhức xương khớp…

Nhiều trẻ nhìn khỏe mạnh nhưng vẫn thiếu chất - 3
Cần cho trẻ khám sức khỏe định kỳ mỗi năm 1 lần để đánh giá sức khỏe tổng quan và tình trạng dinh dưỡng (Ảnh: Thu Cúc TCI).

Trên thực tế, thiếu vi chất khá khó nhận biết, thường khi tình trạng thiếu hụt kéo dài mới dẫn tới những biểu hiện có thể quan sát thấy. Chính bởi vậy, thăm khám sức khỏe định kỳ, hoặc khám dinh dưỡng cho bé mỗi năm một lần là cách tốt nhất để chúng ta theo dõi sự tăng trưởng của con, phát hiện xem con có thiếu hay thừa chất gì hay không. Khám sức khỏe định kỳ cho bé còn giúp sàng lọc sớm các vấn đề bất thường, bệnh lý tiềm ẩn để có thể can thiệp kịp thời.

Tại Khoa Nhi, Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI, các gói khám sức khỏe tổng quát được thiết kế khoa học, gồm đầy đủ các hạng mục khám cần thiết, từ cơ bản tới chuyên sâu, giúp đánh giá tổng quát sức khỏe của trẻ. Các gói khám bao gồm khám lâm sàng (nhi, mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng, dinh dưỡng, ngoại…), xét nghiệm máu (xét nghiệm chức năng gan thận, định lượng sắt, canxi, kẽm, vitamin D3…), xét nghiệm nước tiểu, chụp X-quang tim phổi, siêu âm ổ bụng...

Sức khỏe chủ động là chuyên mục do Báo Dân trí và Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI phối hợp thực hiện. Các bài viết có sự tham gia cố vấn của đội ngũ bác sĩ, chuyên gia giàu kinh nghiệm của TCI, nhằm mang đến cho độc giả những kiến thức hữu ích về chăm sóc sức khỏe chủ động.

Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI đang tặng tới 45% chi phí gói khám sức khỏe tổng quát dành cho bé. Liên hệ tổng đài 1900 55 88 92 để được tư vấn hoặc xem thêm tại đây.