Vì sao Tesla giải tán bộ phận phụ trách trạm sạc nhanh Supercharger?

Nhật Minh

(Dân trí) - Việc ông Elon Musk quyết định giải tán bộ phận phụ trách trạm sạc nhanh Supercharger của Tesla vào tuần trước thực sự gây sốc.

Việc này đặc biệt đe dọa mạng lưới sạc pin xe điện tại Mỹ và ảnh hưởng tới quá trình chuyển đổi sang sử dụng xe điện của khu vực Bắc Mỹ nói chung.

Sự cạnh tranh ngày một gia tăng, tỷ suất lợi nhuận kém hấp dẫn và sự chuyển hướng tập trung của ông chủ Tesla vào lĩnh vực taxi không người lái (robotaxi) đều có thể là nguyên nhân cho quyết định trên.

Vì sao Tesla giải tán bộ phận phụ trách trạm sạc nhanh Supercharger? - 1

Supercharger hiện là mạng lưới trạm sạc pin xe điện lớn nhất thế giới (Ảnh minh họa: InsideEVs).

Mạng lưới gần 58.000 trạm sạc nhanh Supercharger của Tesla đã thiết lập tiêu chuẩn cho người sử dụng ô tô điện ở khắp nơi trên thế giới. Theo  BloombergNEF, 74% trạm sạc Supercharger nằm tại khu vực Bắc Mỹ, nên có thể cảm nhận rõ rệt sự ảnh hưởng của quyết định giảm tốc độ mở rộng trạm sạc loại này.

Tesla liên tục lắp thêm nhiều trạm sạc nhanh Supercharger ở Bắc Mỹ với tốc độ cao hơn tất cả các mạng lưới khác cộng lại. Đơn cử trong quý I năm nay, Tesla đã lắp đặt kỷ lục 3.680 trạm sạc Supercharger, trong khi các đối thủ lắp được tổng cộng chưa bằng một nửa.

"Cú phanh" đột ngột của Tesla có thể ảnh hưởng lớn tới tham vọng xe điện của Bắc Mỹ. Theo dự báo của BloombergNEF, cần phải có khoảng 400.000 trạm sạc nhanh ở Bắc Mỹ để phục vụ số lượng 40 triệu xe thuần điện vào năm 2030, và đặt nền tảng tăng số lượng xe điện lên hơn 90 triệu chiếc sau đó chỉ 5 năm.

Câu chuyện sạc pin xe điện ở châu Âu lại khác hẳn, nên quyết định của Tesla sẽ không gây ảnh hưởng lớn. Trong quý I năm nay, 390 công ty đã bổ sung hơn 13.000 trạm sạc nhanh ở châu Âu, cao gấp 11 lần tốc độ lắp đặt của Tesla.

Có lẽ CEO của Tesla đang đặt cược rằng lĩnh vực sạc pin xe điện ở Bắc Mỹ trong những năm tới sẽ giống ở châu Âu hiện nay, và không muốn đổ tiền vào mở rộng mạng lưới trạm sạc với tốc độ như hiện tại.

Cách đây 2 năm, ông Musk từng nói rằng Tesla muốn đạt tỷ suất lợi nhuận 10% từ mạng lưới trạm sạc nhanh Supercharger. Theo ước tính vào tháng trước của BloombergNEF, Tesla có thể sẽ đạt lợi nhuận 740 triệu USD/năm vào năm 2030, tương đương 8% lợi nhuận năm ngoái của toàn công ty.

Theo Bloomberg, hầu hết các công ty lớn cung cấp dịch vụ sạc đều chưa có lãi, nên còn một giả thuyết nữa về lý do ông Musk giảm tốc độ lắp đặt trạm sạc nhanh Supercharger là mục tiêu lợi nhuận đã thống nhất trước đây không thể đạt được hoặc không còn đủ nữa.

Việc giảm tốc độ mở rộng sẽ tăng hiệu suất khai thác trạm sạc nhanh của Tesla, và có thể sẽ diễn ra sự thay đổi chi phí sạc - trước đây đã được giảm xuống để cạnh tranh.

Quyết định của ông Musk có thể cũng thể hiện rõ hơn quyết tâm hiện thực hóa mô hình taxi không người lái. Trên mạng xã hội X vào cuối tuần trước nữa, ông cho biết Tesla sẽ đầu tư khoảng 10 tỷ USD trong năm nay vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).

Ngoài ra, không nên đánh giá thấp kinh phí cần thiết để duy trì và cập nhật mạng lưới sạc nhanh của Tesla. Làm cho trạm sạc này hỗ trợ được cả các mẫu xe điện không phải của Tesla sẽ đòi hỏi phải lắp cáp dài hơn để phục vụ xe bán tải và SUV cỡ lớn hơn.

Trong bối cảnh hầu hết các nhà sản xuất ô tô đều có kế hoạch làm xe điện 800V, sẽ cần thêm nhiều trạm sạc dùng phần cứng Version 4 mới nhất của Tesla; tỷ lệ hiện nay mới chỉ ở mức khoảng 7% mạng lưới.

Nếu ông Musk có thể hiện thực hóa mô hình taxi không người lái thì các trạm sạc có thể cũng cần tích hợp công nghệ không dây hoặc robot.

Dù lý do của ông Musk là gì, quyết định giảm tốc độ mở rộng mạng lưới trạm sạc nhanh Supercharger của Tesla đã có những ảnh hưởng tiêu cực tới lĩnh vực xe điện ở Mỹ.

Các nhà sản xuất ô tô vừa vui mừng vì có thể sử dụng trạm sạc nhanh chung với Tesla thì nhận được "hung tin". 

Có một số lý do để tin rằng sự gia nhập của những tên tuổi mới trong lĩnh vực sạc pin ô tô điện có thể giúp bù đắp sự thoái lui của Tesla, với hơn 50 công ty đã gia nhập sau khi nhận được tiền tài trợ của Chương trình xây dựng Cơ sở hạ tầng xe điện quốc gia (NEVI) của Mỹ.

Theo Bloomberg