Giám đốc Sở cùng hiệu trưởng, hiệu phó đi học hỏi, học trò diễn Shakespeare

Hoài Nam

(Dân trí) - Trong buổi đến thăm trao đổi kinh nghiệm của Giám đốc Sở GD&ĐT cùng các quản lý trường học tỉnh Quảng Nam, học sinh Trường Tiểu học - THCS - THPT Nam Việt (TPHCM) diễn kịch Shakespeare.

Sáng 27/4, đoàn công tác của Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam do Giám đốc Thái Viết Tường cùng 60 hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên của tỉnh đến trao đổi kinh nghiệm tại Trường Tiểu học - THCS - THPT Nam Việt, TPHCM.

Giám đốc Sở cùng hiệu trưởng, hiệu phó đi học hỏi, học trò diễn Shakespeare - 1

Học trò Trường Nam Việt trình diễn vũ khúc Shakespeare (Ảnh: Hoài Nam).

Tại đây, học sinh khối 11 trường này đã trình bày và trình diễn vũ khúc Shakespeare thuộc dự án của tổ ngữ văn.

Không chỉ là một vở diễn đơn thuần thể hiện năng lực cảm thụ văn chương, để thực hiện dự án này, học sinh phải xử lý hàng loạt kỹ năng làm việc nhóm, viết kịch bản, soạn thảo bằng word, thiết kế PowerPoint, diễn xuất, làm sản phẩm mã vạch, công tác hậu kỳ... kéo dài trong nhiều tuần.

Quá trình này đòi hỏi ở học sinh hàng loạt kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng công nghệ thông tin, thuyết trình, thảo luận, xây dựng kế hoạch, phân chia nhiệm vụ, trao đổi, lắng nghe, đánh giá, rút kinh nghiệm...

Dự án thể hiện hiệu quả ứng dụng công nghệ vào dạy học khi học sinh làm sản phẩm để quét mã vạch cho ra thông tin, sản phẩm dự án.

Trao đổi với đoàn công tác, bà Phan Thị Ánh Hoàng, Hiệu trưởng Trường Nam Việt cho biết trường không ngừng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý và giảng dạy.

Để việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đạt hiệu quả, trường thường xuyên tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, trình độ tin học, kỹ năng sử dụng máy tính, áp dụng các phần mền vào soạn bài giảng... cho đội ngũ giáo viên.

Giám đốc Sở cùng hiệu trưởng, hiệu phó đi học hỏi, học trò diễn Shakespeare - 2

Giáo viên giới thiệu về dự án văn học được ứng dụng công nghệ đến đại biểu (Ảnh: Hoài Nam).

Ông Nguyễn Đức Quốc, đại diện Trường Nam Việt nêu quan điểm, có nhiều vấn đề trong giáo dục cần cơ sở vật chất, cần tài chính. Nhưng cũng rất nhiều thứ giúp đổi mới giáo dục mà mỗi trường học, mỗi người thầy có thể thực hiện mà không cần đến tiền, cơ sở, máy móc.

Theo ông Quốc đó là sự thân thiện, là nụ cười của người thầy dành cho trò, cho phụ huynh; sự thân thiện ở trường học đến từ bác bảo vệ ở trước cổng trường; đó là lời chào của người dành cho học trò...

"Chúng ta đừng hỏi sao con trẻ gặp không chào người lớn. Chúng ta là người lớn, là thầy cô, chúng ta hãy chào các em trước, hãy trao sự thân thiện đến học trò của mình trước đã", ông Quốc bày tỏ.

Giám đốc Sở cùng hiệu trưởng, hiệu phó đi học hỏi, học trò diễn Shakespeare - 3

Học sinh hướng dẫn đoàn công tác ngành giáo dục tỉnh Quảng Nam quét mã vạch dự án (Ảnh: Hoài Nam).

Giám đốc dẫn hiệu trưởng, hiệu phó đi học hỏi

Ông Thái Việt Tường, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam, chia sẻ ông cùng 60 hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên lên đường vào miền Nam tham quan các mô hình trường học để học hỏi về công tác quản trị, cách đổi mới dạy học, cách áp dụng công nghệ thông tin trong dạy học, cách làm thư viện điện tử cũng như những đổi mới tư duy giáo dục mà không cần phải... có tiền.

Ngoài trao đổi kinh nghiệm tại Trường Nam Việt, chuyến đi này, đoàn còn đến tham quan mô hình, chia sẻ kinh nghiệm tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Sở GD&ĐT tỉnh Cần Thơ.

Ông Thái Việt Tường cho hay, toàn tỉnh Quảng Nam có 725 trường công lập và 69 trường tư thục nhưng điều kiện trường lớp còn rất nhiều khó khăn, thiếu giáo viên, đặc biệt là ở các huyện miền núi.

Giám đốc Sở cùng hiệu trưởng, hiệu phó đi học hỏi, học trò diễn Shakespeare - 4

Ông Thái Việt Tường, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam cùng 60 hiệu trưởng, hiệu phó và giáo viên vào miền Nam học hỏi mô hình tổ chức trường học, kinh nghiệm quản trị và đổi mới dạy học (Ảnh: Hoài Nam).

Ông cùng các quản lý trường học mang khát khao, mong muốn làm được điều gì mới, điều gì khác cho giáo dục tỉnh nhà.

Điều này xuất phát từ chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục của nước nhà, chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng đến thay đổi triết lý giáo dục, thay đổi cách làm giáo dục, thay đổi cách dạy, cách học để đào tạo con người phát triển toàn diện.

"Giáo dục để hội nhập quốc tế phải đổi mới, nếu làm như cách cũ sẽ không thay đổi được. Chúng tôi hướng đến làm sao giáo dục phát triển con người toàn diện trong điều kiện, trước hết là phát triển năng lực phẩm chất của người học", ông Tường trải lòng.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam cũng chia sẻ, điều ông trăn trở nhất trong giáo dục hiện nay là cơ sở vật chất, mạng lưới trường học nhiều nơi chưa đáp ứng được nhu cầu dạy học. Điều này rất cần sự đầu tư của xã hội chứ không riêng nhà nước.

Cạnh đó, là nỗi băn khoăn về tình trạng thiếu giáo viên ở miền núi, ở vùng sâu vùng xa. Nhiều thầy cô từ đồng bằng lên miền núi dạy học với tâm lý không yên tâm, một khi người thầy không yên tâm thì giáo dục rất khó đảm bảo chất lượng.