Khi lằn ranh giữa "giáo dục giới tính" và "đồi trụy phản cảm" là mong manh

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Sự việc tại trường Quốc tế TPHCM một lần nữa làm dấy lên những tranh cãi xung quanh sự cần thiết của việc giáo dục giới tính cho các em học sinh.

Chia sẻ trên diễn đàn giáo dục có hơn 26.000 thành viên, một phụ huynh tự nhận có con học lớp 11 trường Quốc tế TPHCM (TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết trước kỳ nghỉ lễ vừa qua, cô giáo đã phát sách "Một thoáng ta rực rỡ nhân gian" cho học sinh để về nhà đọc. Tuy nhiên, thay vì sự hân hoan, người mẹ bàng hoàng khi đọc được những trang miêu tả "chuyện giường chiếu" trong cuốn sách này. 

"Bản thân tôi là một phụ nữ ngoài 40, nhưng khi đọc những câu văn này, tôi còn đỏ mặt tía tai, huống hồ gì bé con nhà tôi chỉ là một học sinh lớp 11 vẫn còn vô cùng non nớt. Tôi ngồi đọc sách cùng con mà giận run cả người vì không hiểu nhà trường biên soạn chương trình thế nào, giáo viên trình độ chuyên môn ra sao mà lại có thể lựa chọn một tác phẩm với những ngôn từ đồi trụy, nhớp nhúa, nội dung khiêu dâm như vậy để dạy cho học sinh", người này viết. 

Trao đổi với Dân trí, trường Quốc tế TPHCM cho biết đã tiếp nhận thông tin và thu hồi các ấn bản trên. Nhà trường đang đánh giá, xem xét quy trình mà tác phẩm được giới thiệu cho học sinh.

Giáo dục giới tính cho học sinh là điều cần thiết và nên làm trong các trường học. Tuy nhiên, giáo dục như thế nào lại là vấn đề gây ra không ít tranh cãi, mà bài học của trường Quốc tế TPHCM chính là một ví dụ điển hình. 

Khi lằn ranh giữa giáo dục giới tính và đồi trụy phản cảm là mong manh - 1

Trường Quốc tế TPHCM (Ảnh: ISHCMC)

Không thể "nhân bản" giáo trình của phương Tây

Nhiều độc giả theo luồng quan điểm phản đối khi cho rằng dù đây là trường quốc tế, việc áp dụng chương trình giáo dục vẫn phải đảm bảo phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt và không thể "nhân bản" giáo trình mà các nước phương Tây áp dụng. 

Độc giả Trai Nguyen viết: "Mỗi giống cây cần có chế độ chăm sóc khác nhau, mỗi dân tộc cũng cần có nền giáo dục phù hợp mới tồn tại bền vững. Bê y chang nền giáo dục bên ngoài áp dụng trong nước là không được". 

"Cũng may là nó mang về nhà, chứ giáo viên chỉ phát cho con đọc ở trường, hết giờ học thu lại thì có mà trời biết. Phụ huynh còn mù mờ về giáo dục khai phóng của phương Tây lắm, có ngày mất bò mới lo làm chuồng", độc giả Hung Li tiếp lời. 

Chung quan điểm, độc giả có nickname William bình luận: "Đồng ý chuyện dạy giáo dục giới tính quan trọng đối với lứa tuổi học sinh, nhưng thay vì trường lập ra một môn ngoại khóa riêng để dạy thì lại đưa một quyển sách và cho các em đọc. Cần hiểu rằng các em chưa hình thành nhận thức chín chắn, dễ dẫn đến suy nghĩ lệch lạc về nhân sinh quan. Một người đã trưởng thành có thể suy xét và đánh giá toàn diện về sự việc, nhưng bọn trẻ thì chưa.

Ngoài ra, nền văn hóa Á Đông và phương Tây là khác nhau, đã hình thành lâu đời nên phải biết cái gì phù hợp và cái gì nên hạn chế, chứ không phải cái gì của phương Tây cũng học tất và cho rằng nó là đúng". 

Còn với chủ tài khoản Athena Cruise, người này đặt câu hỏi ngược rằng nếu đại diện nhà trường thu hồi sách để xem xét lại, thì trách nhiệm của hội đồng kiểm duyệt nội dung trước khi phát hành cho học sinh có được đưa ra đánh giá không? Hay thực tế không có một hội đồng nào của nhà trường xem xét, kiểm duyệt nội dung?.

"Thật quá nguy hiểm, khi xảy ra chuyện rồi mới tiếp thu, rút kinh nghiệm. Bộ Giáo dục lại chủ trương giao cho các trường tự chủ về nguồn sách giáo khoa, vậy trường nào cũng làm ăn tắc trách, vô trách nhiệm, tin tưởng vào tác giả thì các thế hệ học sinh tương lai sẽ còn được tiếp cận với những luồng văn hóa nào?", người này bình luận gay gắt. 

Lựa chọn góc nhìn hóm hỉnh và nhẹ nhàng hơn, anh Trần Quốc Việt viết: "May ngăn chặn kịp, nếu không nhà trường sẽ chuyển ghế đá sân trường sang ghế tình yêu để học sinh ngồi". 

Không nên quá bất bình bởi giáo dục giới tính là cần thiết

Trong khi đó, nhiều người lại thể hiện cái nhìn "thoáng" và đồng cảm hơn đối với nhà trường. Là một cựu du học sinh Mỹ, anh Quang Nguyen viết: "Có gì đâu, hồi xưa tôi học bên Mỹ, ở lớp 9 đã có lớp dạy đeo bao cao su rồi". 

"Trường quốc tế mà, mấy vấn đề về tình dục, giới tính phải thoáng như quốc tế vậy. Ai chịu thì theo", anh Tuấn Huỳnh nêu quan điểm. 

Tương tự, độc giả Nam Xuân bình luận: "Đã bỏ tiền cho con mình học trường Tây nội địa thì phải chấp nhận văn hóa phương Tây. Họ được quyền dạy văn hóa của họ trong trường này mà".

"Nước người ta cho dạy rồi thì chắc đã có căn cứ. Có điều văn hóa Á Đông mình chưa thể chấp nhận được thôi" ý kiến của độc giả Son Hoang. 

Với độc giả Mạc Văn Long, anh cũng cho rằng đây không phải vấn đề cần quá lo lắng, bởi học sinh từ độ tuổi lớp 9, lớp 10 đã cần phải có kiến thức về việc tránh thai. Do đó, ở độ tuổi lớp 11 là 16-17 tuổi, việc đọc sách để hiểu biết là cần thiết, nhất là trong môi trường quốc tế thì càng cần biết để hòa nhập với các nước phát triển.

"Theo tôi không nên quá bất bình việc này. Nhiều người Việt Nam, kể cả nữ và nam giới đến ngoài 30 tuổi vẫn ế ẩm, chưa từng quan hệ tình dục đến 1 lần dù đều đã học hết đại học. Thời xưa đọc mấy sách này phải giấu giếm, lén lút khổ nhục, giờ được trường phát cho đọc và được giảng giải thì tốt hơn chứ có sao đâu?", độc giả này nhấn mạnh. 

Cũng theo luồng quan điểm ủng hộ giáo dục giới tính, song với độc giả Hoàng Linh, anh cho rằng cần có sự khéo léo để tránh tạo ra sự phản cảm ở môi trường học đường. "Việc giáo dục giới tính rất cần được quan tâm và triển khai ở môi trường học đường, bởi độ tuổi các em học sinh là độ tuổi dậy thì, bắt đầu phát triển về thể chất, manh nha sự tò mò, khơi dậy những ham muốn về giới tính nhưng lại hạn chế về nhận thức và kiến thức. Do đó, việc giáo dục một cách đầy đủ, chỉn chu cho các em sẽ giúp các em tiếp cận vấn đề với cái nhìn đúng đắn, tránh sự lệch lạc cùng những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. 

Tuy nhiên, do tính chất của vấn đề là nhạy cảm, việc giáo dục như thế nào là điều rất cần được quan tâm. Nhà trường phải vô cùng khéo léo, bởi lằn ranh giữa giáo dục và đồi trụy, phản cảm là vô cùng mong manh", độc giả này bình luận.