DNews

Gửi con còn ẵm ngửa, công nhân xót xa thấy bé nằm lọt thỏm trong... bệ xí

Hạ Di Xuân Trường

(Dân trí) - Mưu sinh ở thành phố, làm việc ở nhà máy cả ngày, nhiều công nhân buộc phải gửi con tại "nhà trẻ" tự phát trong xóm trọ. Dù biết rõ tính an toàn không cao, họ vẫn đành chấp nhận... liều.

Gửi con còn ẵm ngửa, công nhân xót xa thấy bé nằm lọt thỏm trong... bệ xí

2 lần gửi con, 2 lần "chết điếng"

Đến giờ, chị Tiến (33 tuổi, làm công nhân, ngụ tại quận Bình Tân, TPHCM) vẫn không thể quên cảnh tượng 2 năm trước chạy đôn, chạy đáo tìm nơi trông giữ con trai 6 tháng tuổi.

Được hàng xóm giới thiệu đủ nơi, đủ người, chị Tiến thử đến "nhà trẻ" do một người phụ nữ sống gần khu trọ mở. Chứng kiến cảnh "nhà trẻ" có mấy đứa con nít nằm lăn lóc dưới sàn nhà, người trông trẻ một mình trông nhiều bé cùng lúc, chị Tiến nơm nớp lo sợ.

Gửi con còn ẵm ngửa, công nhân xót xa thấy bé nằm lọt thỏm trong... bệ xí - 1
Gửi con còn ẵm ngửa, công nhân xót xa thấy bé nằm lọt thỏm trong... bệ xí - 2

"Con mình có được ăn, tắm rửa đầy đủ không, có bị đánh đập, la mắng, bạo hành không?", loạt câu hỏi bật ra trong tâm trí. Thế nhưng, chị Tiến vẫn đành đánh liều, trao con.

Chỉ vài tháng sau, chị Tiến phát hiện những lần tự tắm cho con bỗng trở thành "cực hình".

Chị không hiểu vì sao thằng bé bỗng trở nên sợ hãi và khóc thét lên mỗi khi vào nhà vệ sinh. Với trực giác của người mẹ, chị chọn một ngày tan làm sớm hơn thường lệ, đến đón con và đã tìm ra nguyên nhân bé sợ nhà tắm.  

"Khoảnh khắc đến nhà trẻ, trái tim tôi như thắt lại khi thấy con nằm lọt thỏm trong bệ xí. Người trông trẻ không có ở đó, bà này phóng xe đi đón đứa trẻ khác từ lúc nào chẳng hay. Hoảng quá, tôi bế thốc con lên, về thẳng và đổi chỗ gửi ngay lập tức", chị Tiến kể lại.

Nỗi ám ảnh chưa hết, nữ công nhân vẫn đành tiếp tục gửi con ở một cơ sở tự phát khác. Lần gửi này, con chẳng những sợ nhà vệ sinh mà còn đột nhiên trở nên bướng bỉnh, rụt rè khi nghe người khác nói chuyện lớn tiếng.

Chị Tiến nghẹn ngào, cứ mỗi lần con có biểu hiện thất thường như thế, nỗi sợ trong chị như nhân đôi. Ngày làm ở công xưởng, không giây phút nào nữ công nhân thôi nghĩ về sự an toàn của con trai. Đọc những tin tức trẻ bị bạo hành ở những cơ sở trông giữ tự phát, chị Tiến càng thắc thỏm.

Gửi con còn ẵm ngửa, công nhân xót xa thấy bé nằm lọt thỏm trong... bệ xí - 3
Gửi con còn ẵm ngửa, công nhân xót xa thấy bé nằm lọt thỏm trong... bệ xí - 4

Nhưng ngặt nỗi, chị không còn cách nào khác. Lúc ấy, chị đã hết thời hạn nghỉ thai sản, phải quay lại nhà máy làm việc như bao công nhân khác. Mỗi lần lo lắng dâng lên, chị lại cố vuốt ngực, tự nhủ: "Phải như vậy thì mới đi kiếm tiền, lo cho con được".

Mãi đến khi con trai đủ 2 tuổi, chị Tiến mới thở phào nhẹ nhõm khi thằng bé đủ tuổi, được học ở trường mầm non của công ty.

"Ở trường, các cô có chuyên môn, lại kiên nhẫn. Nhờ vậy, con mới dần hết sợ nhà vệ sinh và trở lại vẻ vui nhộn, hiếu động bình thường", chị Tiến nói.

Đến giờ, hễ nhắc lại việc con trai chị Tiến bị bỏ trong bệ xí, người trong khu trọ lại tặc lưỡi, xót xa.

Trường tư không đủ tiền, trường công không tới lượt!

Chị Hải (42 tuổi), công nhân công ty TNHH Pouyuen, bộc bạch dù biết gửi con ở nhà trẻ tự phát là đánh cược sự an toàn của con, nhưng người lao động như chị chỉ có thể cười trừ, nhắm mắt làm liều vì biết rõ bản thân không còn cách nào khác.

"Ngày ấy nghe con chị Tiến bị đặt nằm trong bệ xí như thế, tôi cũng sợ lắm. Nhưng đến khi con mình đủ 6 tháng tuổi, tôi cũng phải chạy vạy đi gửi con ở những chỗ như vậy. Dù đã gửi con được một tháng, đến giờ may mắn chưa có chuyện gì bất thường, nhưng thâm tâm làm sao mà không lo cho được", nữ công nhân thở dài.

Sáng 14/6/2014, tại kỳ họp thứ 13 Hội đồng Nhân dân TPHCM khóa VIII, đề án giữ trẻ mầm non từ 6 - 18 tháng tuổi được thông qua.

Sau nhiều năm thí điểm việc này tại các quận, huyện trên địa bàn, thành phố ghi nhận vẫn còn rất nhiều vướng mắc chưa tháo gỡ được. Trong đó, vấn đề lớn nhất chính là có lớp nhưng lại thiếu trẻ.

Thực tế, nói đến chuyện gửi con, nhiều công nhân sống trong hẻm Hồ Học Lãm thổ lộ "vẫn sẽ chọn các điểm giữ trẻ tự phát".

Kể cả chị Tiến, người từng chứng kiến những chuyện không hay xảy ra với con trai ở những điểm trông giữ trẻ tự phát, sắp tới cũng vẫn tiếp tục gửi con gái nhỏ 6 tháng tuổi ở những điểm giữ trẻ này.

Làm công nhân hơn 10 năm, thu nhập của chị Tiến chỉ vỏn vẹn 8 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng phải chắt chiu mới đủ lo cơm áo gạo tiền nơi thành phố. Vì thế, mức phí gửi con chưa đến 2 triệu đồng/tháng tại các nhà trẻ tự phát là yếu tố quyết định mà vợ chồng chị phải lựa chọn.

Gửi con còn ẵm ngửa, công nhân xót xa thấy bé nằm lọt thỏm trong... bệ xí - 5
Gửi con còn ẵm ngửa, công nhân xót xa thấy bé nằm lọt thỏm trong... bệ xí - 6

Nhiều người giới thiệu một số trường mẫu giáo tư nhân có nhận trẻ dưới 2 tuổi, nhưng chị Tiến không có khả năng. Nuôi con đầu đã tốn gần một nửa thu nhập của hai vợ chồng, chị Tiến chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện gửi con gái út ở những cơ sở được cấp phép, đảm bảo điều kiện trông giữ trẻ như vậy, vì mức học phí cao chất ngất.

Năm ngoái, công ty chị có nhiều biến động, nhà máy lần lượt sa thải công nhân, đến nay vẫn có thể có những đợt sa thải tiếp. Chị Tiến dặn lòng luôn phải làm việc hết mình, không thể lơ là bất kỳ giây phút nào, để không rơi vào danh sách bị sàng lọc. Vì thế, đôi lúc chị phải cắn răng, nuốt nước mắt, vờ quên đi những đắn đo kiểu "liệu gửi con cho người này có ổn không", "con có được an toàn không"...

Khổ tâm nhất là nghĩ đến cảnh con ốm đau, bệnh tật. Lúc ấy, chị Tiến cũng không biết phải làm thế nào vì người trông trẻ chẳng có nổi một tờ giấy chứng chỉ, bằng cấp trông trẻ.

Hơn nữa, cảnh ở trọ "nay đây, mai đó", những công nhân như chị Tiến khó lòng xin cho con học tại các trường công lập vì gia đình không có sổ hộ khẩu thành phố.

"Chúng tôi là lao động nhập cư, ở quê lên thành phố nên nếu gửi ở trường công thì thủ tục, giấy tờ rất rắc rối. Số lượng trẻ càng đông, trường cũng sẽ ưu tiên cho những em có hộ khẩu tại địa phương. Hơn nữa, ở đây không có trường gần nhà nào nhận trông trẻ dưới 2 tuổi cả", chị Tiến nói.

Chị Hường (40 tuổi), công nhân công ty TNHH Pouyuen, cho hay chị cũng chuẩn bị gửi con gái 6 tháng tuổi ở một nhà trẻ tự phát trong xóm trọ. Nhìn trẻ ở những cơ sở trông giữ tự phát, đứa nào cũng gầy nhom, phờ phạc, ngồi trong căn phòng trọ nhếch nhác, nóng nực, ướt đẫm mồ hôi, chị Hường không khỏi đau lòng.

Gửi con còn ẵm ngửa, công nhân xót xa thấy bé nằm lọt thỏm trong... bệ xí - 7
Gửi con còn ẵm ngửa, công nhân xót xa thấy bé nằm lọt thỏm trong... bệ xí - 8

Mang con đến nhà trẻ tự phát, ai cũng hiểu là đầy rẫy mối nguy nhưng trường công không phải nơi nào cũng nhận giữ bé dưới 2 tuổi, có giữ cũng chỉ giới hạn đến 17h. Chị Hường thừa nhận, những gia đình công nhân như chị không có sự lựa chọn nào khác.

Thấy cảnh khổ, ông bà không ít lần gọi điện nhắn chị gửi con về quê để ông bà trông cho an toàn. Nhưng chị Hường cũng không đành lòng sống xa con. Ông bà ở quê lại lớn tuổi, cảnh nhà không mấy khá giả, chị cũng áy náy nếu làm phiền bố mẹ.

"Gửi con ở những chỗ này dù không đặt điều kiện được về độ an toàn nhưng đổi lại là rất tiện lợi, học phí lại rẻ. Người trông trẻ còn là hàng xóm nên chúng tôi cũng dễ xin… khất nợ nếu không may gặp khó khăn. Đi làm sớm, về muộn hay tăng ca đều không lo vì muốn gửi giờ nào cũng được, chỉ cần trả thêm vài chục nghìn đồng bồi dưỡng cho người gửi là xong.

Tôi tự dặn lòng, chắc không phải ai cũng ác, ai cũng nhẫn tâm hành hạ mấy đứa nhỏ. Nhưng tự nhủ vậy thôi, chứ lo lắm", chị Hường chia sẻ.

Chấp nhận đánh đổi sự an toàn của con như vậy, những bà mẹ công nhân nghèo bộc bạch, nếu không vì những khó khăn trong cuộc sống, họ cũng ước bản thân có thể có lựa chọn tốt hơn.

"Con được gửi ở trường công thì quá tốt. Ở đó, các cô có chuyên môn, từng học qua các lớp dạy nghề trông trẻ bài bản. Cơ sở vật chất trường lớp cũng tốt, đặc biệt là có camera, ba mẹ có thể quan sát, để mắt đến con từ xa. Nếu trường công giải quyết, đáp ứng được nhu cầu của công nhân như nhà trẻ tự phát bây giờ, chúng tôi cũng rất mong con được gửi ở trường công", một công nhân cho hay.

Ảnh: Hạ Di